Làm giàu từ mô hình đào ao thả cá

Trong những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Ba Bể đã biết phát huy diện tích hồ đập tập trung nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó mô hình nuôi cá của gia đình anh Hoàng Văn Tâm ở thôn Bản Chán xã Đồng Phúc là một điển hình. Với hơn 9.000m2 ao thả cá, mỗi năm gia đình anh thu về trên 100 trăm triệu đồng./.

Cũng như nhiều gia đình thuần nông khác, trước đây, sản xuất nông nghiệp của gia đình anh Tâm chỉ dựa vào làm ruộng, thu nhập chỉ đủ ăn. Mặc dù vợ chồng anh chăm chỉ làm lụng cả ngày nhưng cái nghèo vẫn đeo bám, một phần do thiếu kiến thức khoa học, sử dụng giống, phân không hợp lý, cây trồng luôn bị sâu bệnh, năng suất thấp hiệu quả kinh tế không cao. Sau những trăn trở về bài toán phát triển kinh tế gia đình, dựa trên những lợi thế sẵn có của địa phương, năm 2004, anh Tâm quyết định khai phá đất đào ao thả cá, trồng cây ăn quả, nuôi lợn, vịt… Do năm đầu tiên mới bước vào nuôi cá, nguồn vốn của gia đình còn hạn hẹp nên không có đủ kinh phí mua thức ăn cho cá và bản thân anh lại chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi, bởi vậy hiệu quả nuôi chưa cao. Những năm sau, nhờ đã có kinh nghiệm và chịu khó học tập khoa học kỹ thuật áp dụng vào nuôi, phòng bệnh cho cá nên gia đình anh chăn nuôi hiệu quả hơn. Để mở rộng thêm diện tích ao nuôi, đến năm 2011 anh đầu tư thêm 200 triệu đồng thuê máy xúc đào đất mở rộng diện tích và đầu tư xây kè quanh các ao cá. Đầu năm 2016, anh lại tiếp tục đầu tư trên 90 triệu đồng thuê máy xúc đào đất tạo thêm độ sâu cho các ao. Trò chuyện với chúng tôi, anh Tâm chia sẻ: việc chăn nuôi cá không khó, thức ăn cho cá chủ yếu là cám và thức ăn xanh không tốn kém lắm. Việc tiêu thụ cá thương phẩm rất thuận lợi, thường các tư thương đến tận nơi đặt mua hoặc gia đình anh chỉ đem đến các chợ trong huyện bán cũng tiêu thụ hết. Ngoài ra, anh còn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi thêm gà, vịt, lợn., đầu tư chăm sóc hơn 50 cây hồng, 10 nghìn m2 ruộng, 4 ha rừng , mỗi năm trừ các khoản chi phí gia đình anh thu về trên 100 triệu đồng. anh Tâm chia sẻ: “Thứ nhất gia đình mình có địa hình, có nguồn nước sạch, mình được đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở dưới Thái Nguyên thấy mô hình nuôi cá có thu nhập tốt và con cá ít dịch bệnh và nguồn thức ăn ở địa phương mình có sẵn không phải mua nên mình quyết định đầu tư mô hình nuôi cá. Trước kia nuôi chưa có kinh nghiệm, nhưng sau khi được bên Khuyến nông – khuyến lâm tỉnh, huyện và Dự án 3PAD mở lớp tập huấn nuôi cá từ cách ươm cá giống, chọn cá giống đến cách chăm sóc. Sau 2 năm thực hiện thấy có thu nhập và con cá ít dịch bệnh hơn…”.

Từ sự thành công của mô hình kinh tế mà anh Tâm đã dành nhiều công sức đầu tư, hiện nay nhiều hộ dân trong trong xã Đồng Phúc cũng đã mạnh dạn làm theo và thu được kết quả khá. Không những là người làm kinh tế giỏi, anh Tâm còn hăng hái tham gia công tác xã hội, hiện nay anh là đại biểu HĐND xã, Phó chủ tịch Hội nông dân xã vừa là công an viên. Mọi công việc trong thôn, trong xã anh đều rất nhiệt tình, giành nhiều thời gian để tuyên truyền vận động bà con học tập kinh nghiệm, cách làm ăn mới trong phát triển sản xuất, phối hợp cùng các ban, ngành đoàn thể thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá và phòng chống các tệ nạn xã hội. Với sự miệt mài làm ăn đạt hiệu quả, liên tục từ năm 2006 đến nay anh được công nhận đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. anh Tâm cho biết thêm: “Trong thời gian tới gia đình tôi tiếp tục mở rộng, cải tạo lại ao và nuôi nhiều hơn nữa để tạo công ăn việc làn cho những người nhàn rỗi tại địa phương. Ý tưởng của bản thân muốn cơ quan chức năng cấp huyện, cấp tỉnh giúp đỡ xây dựng mô hình Hợp tác xã cá sạch tại thôn Bản Chán nói riêng và xã Đồng Phúc nói chung để quảng bá thương hiệu tạo thu hập cho gia đình và bà con địa phương”.

Đánh giá về mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Hoàng Văn Tâm, Ông Lý Nguyên Bảo – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Phúc cho biết: “Hội Nông dân xã phát động phong trào để hội vien phát triển kinh tế, qua quá trình phát động thì thấy mô hình nuôi cá của hộ gia đình anh Tâm rất có hiệu quả, vừa rồi gia đình anh cúng đã bán được gần một tấn cá thu được số tiến gần 6 chục triệu đồng. Thấy đượchiệu quả như vậy, Hội nông dân chúng tôi tiếp tục tuyên truyền hội viên mở rộng mô hình nuôi cá để ý định sau này sẽ thành lập Hợp tác xã nuôi cá sạch, tạo thương hiệu bán ra thị trường để giúp cho hội viên có thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho hội viên…”.

Ảnh: Anh Tâm bên mô hình kinh té của gia đình

Với lòng quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, mô hình kinh tế của gia đình anh Hoàng văn Tâm, thôn Bản Chán, xã Đồng Phúc thực sự là một điển hình trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Mô hình kinh tế của gia đình anh Tâm xứng đáng để nhiều nông dân trong huyện học tập và làm theo để cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu./.

Bài trướcBa Bể: Thôn Tẩn Lượt (Đồng Phúc) tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc
Bài tiếp theoĐồng chí Đỗ Thị Láng – Ủy viên BTV – Chủ tịch UBMTTQ huyện thăm tặng quà gia đình chính sách tại xã Đồng Phúc